Trang chủ Tổng Hợp Toàn Bộ Các Cổng Kết Nối Của Apple Qua Các Đời

Tổng Hợp Toàn Bộ Các Cổng Kết Nối Của Apple Qua Các Đời

Lựa chọn của Apple về cổng kết nối và đầu cắm trên các thiết bị điện tử của mình vẫn là đề tài tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của hãng. Để có được cổng Thunderbolt và Lightning ngày hôm nay, hiếm ai nghĩ Apple đã trải qua nhiều loại giao thức kết nối đến vậy.

Lựa chọn của Apple về cổng kết nối và đầu cắm trên các thiết bị điện tử của mình vẫn là đề tài tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của hãng. Trang Apple Insider vừa rồi đã lược lại toàn bộ lịch sử phát minh cũng như đưa vào sử dụng cổng kết nối cũng như jack cắm của Người khổng lồ công nghệ Cupertino từ những ngày đầu tiên công ty bước vào hoạt động.

Từ những máy tính Apple đầu tiên sơ khai nhất tới hàng loạt thế hệ máy tính Mac, laptop MacBook cũng như iPhone và iPad sau này, sản phẩm điện tử của Apple vẫn luôn giữ một đặc điểm chung nhất: chúng đều phải có cổng kết nối. Theo thời gian, việc cổng kết nối và đầu cắm thiết bị điện tử thay đổi, ngày một hoàn thiện bản thân là điều tất yếu để giúp bắt kịp với tốc độ chuyển mình chóng mặt của công nghệ. Apple từ lâu đã sở hữu một lịch sử đầu cắm và kết nối đầy tranh cãi khi hãng gần như luôn chọn sử dụng connector riêng của mình trên máy tính Mac, ngay từ trên chiếc Macintosh 128K đầu tiên.

Jack DB-9 và dây cuộn điện thoại bàn để kết nối bàn phím

Khi dòng sản phẩm Macintosh lần đầu ra mắt công chúng vào 1984 với phiên bản 128K, Apple đã sử dụng cổng DB-9 kết nối máy tính với chuột và modem, còn bàn phím thì được cắm vào máy tính qua một cuộc dây về cơ bản giống như dây điện thoại bàn. Cổng này được duy trì sử dụng cho đến đời Mac tiếp theo, Mac 512K, ra mắt cuối năm 1984, tiếp tục đến phiên bản 512Ke ra mắt năm 1986 là thế hệ Mac cuối cùng sử dụng jack DB-9.

Cổng DIN-8

Khi Mac Plus xuất hiện trên thị trường, “Táo khuyết” đã trang bị cho máy cổng DIN-8 để kết nối modem và máy in, vận hành trên chuẩn RS-422, cho phép mạng internet hoạt động qua LocalTalk – điều sau này trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của dòng máy tính Mac. Tuy nhiên trở ngại duy nhất đối với DIN-8 là tại thời điểm đó, nó không phải cổng kết nối chuẩn, vậy nên nếu người dùng muốn kết nối bất kỳ máy in nào với Mac ngoài máy in ImageWriter của Apple, họ sẽ cần phải có đầu chuyển kết nối. Cần nói thêm rằng tại thời điểm đó adapter chuyển đổi trên thị trường chưa thực sự ổn định.

Beige PowerMac G3 là thế hệ desktop Mac cuối cùng sử dụng cổng DIN-8. Tuy nhiên nhiều năm sau đó trên thị trường vẫn bán adapter USB dành cho cổng kết nối này.

Chuẩn giao tiếp SCSI (Small Computer System Interface)

Apple đã lần đầu tích hợp một phiên bản của chuẩn giao tiếp SCSI trên Mac Plus trình làng hồi năm 1986, giao thức này sau đó duy trì hoạt động trên các đời Mac sau đó tới tận Mac SE và Mac II. Ưu điểm của SCSI nằm ở chỗ giao thức này cho phép kết nối kiểu daisy chain (kết nối nhiều thiết bị cùng loại với nhau) cũng như đem lại tốc độ cao hơn rất nhiều chuẩn giao tiếp dữ liệu ATA phổ biến thời đó. SCSI chủ yếu dùng để kết nối bộ nhớ trong vì tốc độ vượt trội, nhưng các thiết bị tốc độ cao khác như máy scan của Apple cũng được tận dụng giao thức này. Tuy nhiên, sau cùng SCSI vẫn bị loại bỏ khỏi bảng mạch motherboard và thay thế bằng FireWire trong bước chuyển giao từ chiếc Beige G3 tới chiếc Blue and white PowerMac G3

ADB (Apple Desktop Bus)

Jack cắm ADB được phát minh bởi nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak và lần đầu xuất hiện năm 1986 cùng sự ra mắt của Apple IIGS, ADB là jack cắm 4 chân pin, được sử dụng để kết nối bàn phím và chuột cũng như hàng loạt thiết bị băng tần thấp khác. ADB sau đó được đem lên nhiều sản phẩm khác của Táo như Macintosh SE và Mac II, thậm chí còn xuất hiện trên máy tính NeXT của Steve Jobs khi ông thành lập công ty cùng tên năm 1990, cổng kết nối cho phép người dùng khởi động Mac ngay trên nút bấm bàn phím. Tuy nhiên một nhược điểm lớn với ADB đó là cổng này không hỗ trợ rút ngay lập tức. Người dùng thường được khuyến cáo là không nên rút cổng này khi máy tính vẫn đang hoạt động.

“Đó chính là lý do vì sao cổng ADB bị loại bỏ. Dù hiếm khi xảy ra, nhưng hư hại phần cứng có thể xảy ra với cả cổng kết nối lẫn thiết bị bạn cắm vào”, Low End Mac  viết vào năm 2001.

Tất nhiên, giống phần lớn cổng kết nối được đề cập tới tại đây, ADB đã dần đi vào quên lãng kể từ cuối những năm 1990 với sự xuất hiện đầy hoành tráng của USB. Sản phẩm cuối cùng giữ kết nối ADB của là chiếc Blue and white Power Macintosh G3 ra mắt năm 1999.

Apple Attachment Unit Interface (AAUI)

Dây AAUI được giới thiệu đầu tiên vào cuối những năm 1980 như một phần của hệ thống mà Apple gọi là FriendlyNet, vốn dĩ cho phép kết nối các máy tính bằng mạng Ethernet. Cổng sử dụng chân 15 pin D gắn trên máy tính và nhiều loại jack cắm khác nhau ở đầu dây kết nối tùy thuộc từng nhà sản xuất.

AAUI xuất hiện trên nhiều model Mac ra mắt những năm 90, khởi đầu với Macintosh Quadra năm 1991. Giao thức này sau đó tiếp tục duy trì sự có mặt của mình trên dòng sản phẩm Powerbook và Power Macintosh cho đến khi máy tính Beige G3 ra đời. AAUI cuối cùng cũng phải dừng cuộc hành trình của mình, bởi tại thời điểm đó công nghệ sản xuất dây này đã trở nên quá đắt đỏ so với jack Ethernet được tích hợp thẳng vào motherboard.

G3 Personality Card

Đây là một trong số ít những phát mình của Apple mà chỉ có lợi cho…chính Apple. Chiếc card này cho phép dễ dàng thêm vào các tính năng về nghe nhìn, cùng lúc giúp Apple tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, G3 Personality Card chỉ xuất hiện trên model Beige G3. Mac OS X ra mắt sau Beige G3 vài năm hoàn toàn không hỗ trợ nghe nhìn.

Cổng HDI-45

Thêm một connector “yểu mệnh” của “Táo khuyết”. HDI-45 là một dây kết nối 45 chân pin tới motherboard dùng để truyền tín hiệu hình ảnh, chỉ được sử dụng trên thế hệ Power Macintosh đầu tiên của giữa những năm 90. Dù không tồn tại lâu, nhưng HDI-45 lại chính là phát minh đặt nền móng cho rất nhiều cổng kết nối hiện đại sau này, bao gồm ADC và thậm chí là Thunderbolt 3, theo tư tưởng thiết kế một cổng kết nối đảm nhiệm truyền tải nhiều dạng tín hiệu, hoàn thành mục tiêu một cổng duy nhất trên máy tính của Apple.

Giống như rất nhiều thứ khác, HDI-45 đã bị loại bỏ khi cố CEO Steve Jobs quay trở lại Apple và ra mắt iMac.

Cổng ADC (Apple Display Connector)

Jack ADC ra mắt lần đầu trên Power Mac G4 và G4 Cube. Ưu điểm vượt trội nhất của ADC đó là giảm tải dây cắm cho máy tính. Tuy nhiên, tốc độ phát triển tựa vũ bão của công nghệ màn hình thời đó buộc người dùng phải mua adapter chuyển đổi để dùng dây ADC với màn hình mới mua của mình và lần cuối người dùng chứng kiến dây ADC là trên máy tính Power Mac G5.

FireWire

Apple gọi giao thức chuẩn IEEE 1394 High Speed Serial Bus do mình tạo ra là FireWire. Chuẩn này sớm trở nên phổ biến trên toàn bộ các sản phẩm của Táo khuyết nhưng lại có vòng đời tương đối ngắn để rồi cuối cùng bị khai tử bởi Thunderbolt. FireWire lần đầu xuất hiện trên máy tính Apple năm 1999. Và dù Steve Jobs tuyên bố FireWire đã “chết” vào 2008, kết nối này vẫn duy trì đến tận 2012, khi Thunderbolt lên ngôi thống trị.

Cổng 30-pin “huyền thoại”

Cuối cùng, cũng là cổng kết nối có lẽ nhiều người biết đến nhất, chính là cổng 30 chân pin. Đây được coi là một trong những cổng kết nối phổ biến nhất trong lịch sử của Apple, xuất hiện trên hàng loạt model iPod đời sau: 5 thế hế đầu tiên của iPhone và 3 thế hệ đầu tiên của iPad. Cổng 30 chân pin (giờ là cổng Lightning) đã mở ra cả một ngành công nghiệp sản xuất phụ kiện bên thứ ba như dock sạc và các phụ kiện khác, xuất hiện tại khắp mọi nơi từ xe ô tô tới máy chạy trong phòng tập, tới chiếc đèn ngủ cạnh giường. Sở dĩ như vậy bởi jack 30-pin của Apple quá ư đa dụng. Nó có thể thay thế USB và truyền tải video, đồng thời còn cho phép sạc khi đang kết nối với loa. Ngoài ra, kết nối này còn giúp Apple thiết kế được những model iPod và iPad mỏng hơn.

Cuối cùng, cổng 30-pin được thay thế bởi cổng Lightning, xuất hiện trên các sản phẩm iPad, iPhone ngày nay với ưu thế lớn nhất của cổng này là đầu cắm đối xứng, cho phép người dùng không cần phải quan tâm tới chiều cắm vào mỗi khi sạc thiết bị.

Hệ thống cổng kết nối của Apple ngày nay bao gồm sạc và kết nối Mac qua USB-C, iPhone và iPad sử dụng cổng Lightning, bên cạnh đó là hàng loạt giao thức kết nối không dây hiện đại tận dụng công nghệ NFC như AirDrop và Apple Pay. Có thể thấy, Apple đang từng bước tiến gần hơn tới một tương lai hoàn toàn không dây như hãng vẫn từng đau đáu tâm niệm ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng cần phải nói thêm rằng, những gì “Táo khuyết” đạt được ngày hôm nay, chính nhờ từ những cổng kết nối mà giờ đây chúng ta coi là “cổ lỗ sỹ” mà ra.

 

Tag: cong ket noi,cong ket noi macbook,cổng kết nối apple,cong chuyen macbook,cáp kết nối,cap ket noi apple